Huy động vốn và những sai lầm nghiêm trọng cần tránh
Tôi không thấy ai đầu tư vào doanh nghiệp của bạn, dù chỉ vài ngàn đô la. Nếu không phải là người tuyệt đối tin tưởng vào doanh nghiệp của bạn, tôi sẽ muốn thấy có
Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn bỏ tiền vào doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhất, giống như một người cá độ sẽ đặt cược cho con ngựa nhiều khả năng chiến thắng nhất. Tất nhiên, với một canh bạc, bạn sẽ có lúc được lúc mất. Nhưng nếu nguy cơ thua đã nhãn tiền, chẳng ai dại dột đâm đầu vào để rồi trắng tay.
Bạn có thể cần vốn kinh doanh vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng tốt hơn hết đừng mắc phải những sai lầm cơ bản dưới đây nếu không muốn mất thời gian của cả mình và nhà đầu tư trong quá trình huy động vốn. Đây là những chia sẻ của John Rampton – một doanh nhân, một nhà đầu tư đã từng rót vốn cho 16 doanh nghiệp khác nhau trong vòng 4-5 năm qua.
1. Bạn không có gì chứng minh khả năng thành công của mình
Doanh nghiệp mới của bạn có tiềm năng hay thế mạnh nào đáng quan tâm không? Bạn đã bán được sản phẩm/dịch vụ nào chưa? Bạn có chiến dịch huy động vốn đại chúng nào thành công không? Bạn từng quản lý doanh nghiệp nào trước đây không? Nếu muốn chứng minh rằng bạn có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp mới của mình đến với thành công, hãy vượt qua những câu hỏi sát hạch trên đi đã. Hãy chứng minh rằng doanh nghiệp của bạn xứng đáng được nhận những đồng vốn mà tôi khó khăn lắm mới kiếm được và bạn chắc chắn sẽ làm chúng sinh sôi nảy nở dưới bàn tay chăm sóc của mình.
2. Tôi không tin bạn
Tôi dò xét từng công ty mà tôi đích thân đầu tư vào, đặc biệt là ở khía cạnh con người. Bạn có thể bước vào văn phòng của tôi với một bản thuyết trình sản phẩm không tỳ vết. Nhưng nếu con người bạn làm cho tôi mất cảm tình thì đừng bao giờ hy vọng tôi sẽ đầu tư vào công ty bạn. Đừng lãng phí thời gian của nhau khi đã làm tôi nghi ngờ đầu óc, tính cách và khả năng của bạn.
3. Đội ngũ của bạn quá non nớt
Cứ cho rằng tôi thích bạn và ý tưởng của bạn nhưng nếu đội ngũ nhân viên của bạn tỏ ra thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh, đừng mong có được tiền đầu tư từ tôi. Tôi muốn biết chắc rằng đội ngũ nhân viên của bạn có đủ trình độ và trách nhiệm để hoàn thành công việc đúng thời hạn và theo đuổi đến cùng các mục tiêu đã đề ra.
4. Đội ngũ của bạn không phối hợp nhịp nhàng
Các nhà đồng sáng lập hay các thành viên trong công ty bạn thường xuyên cãi vã, bất đồng quan điểm? Điều này sẽ khiến tôi băn khoăn. Tôi không muốn mạo hiểm đầu tư vào một doanh nghiệp nếu các những cá nhân trong doanh nghiệp đó không thể hòa đồng với nhau. Vì thế, hãy chắc chắn rằng đội ngũ của bạn có thể phối hợp với nhau một cách ăn ý.
5. Bạn có điều còn giấu tôi
Bạn đang cố gắng giấu diếm, bưng bít thông tin không cho tôi biết? Tôi không yêu cầu bạn phải công khai hết mọi bí mật về doanh nghiệp của mình. Nhưng nếu muốn tôi đầu tư vào công ty, ít ra bạn cũng phải cho tôi biết những điều cơ bản về tình hình hoạt động của nó chứ.
Bạn sợ khi nhà đầu tư biết hết mọi thứ, họ sẽ nẫng tay trên ý tưởng của bạn? Đừng lo, tôi không rảnh thời gian để làm chuyện đó đâu.
6. Bạn không có kế hoạch/định hướng kinh doanh
Dù sản phẩm của bạn có hay đến mấy, nếu bạn không cho tôi biết mục tiêu và kế hoạch thực hiện mục tiêu ấy trong 1-2 năm tới thì làm sao tôi có thể đầu tư cho bạn được. Hãy nhớ rằng bản kế hoạch kinh doanh là một công cụ quan trọng để bạn kêu gọi vốn đầu tư.
7. Ít bằng chứng cho thấy doanh nghiệp của bạn có khả năng sinh lời
Bạn không có nhiều đơn đặt hàng hay khách đăng ký sử dụng dịch vụ của mình? Thế thì đừng hy vọng gì vào tôi. Mọi người còn không muốn mua sản phẩm/dịch vụ của bạn thì hà cớ gì mà tôi, một nhà đầu tư, lại phải đem tiền dâng cho bạn?
8. Tôi không tin bạn có thể làm được sản phẩm đó
Có ý tưởng hay là một chuyện, biến ý tưởng đó thành hiện thực là chuyện khác. Nếu bạn chỉ nói suông thì tôi khó mà tin bạn. Ít ra bạn cũng phải có sản phẩm mẫu để cho tôi thấy là nó hoạt động được. Ngoài ra, tôi cũng sẽ muốn thấy ý kiến phản hồi tích cực từ một số người đã sử dụng sản phẩm đó.
9. Công ty của bạn không có gì mới mẻ, độc đáo
Những doanh nghiệp không có sản phẩm/dịch vụ gì mới hay không đi theo một mô hình tiên tiến nào đó thì rất khó để được tôi chú ý. Thế nên kiểu gì bạn cũng phải độc đáo hơn hoặc vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh nếu muốn được quan tâm đầu tư.
10. Lãnh đạo doanh nghiệp quá bảo thủ
Bạn không chịu tiếp thu ý kiến đóng góp, thậm chí tỏ ra cố chấp khi tôi chê doanh nghiệp bạn ở một điểm gì đó. Như thế thì làm sao tôi có thể hợp tác với bạn được.
Từng có một số lãnh đạo doanh nghiệp đến trình bày ý tưởng với tôi, khi tôi đưa ý kiến của mình, họ liền tỏ thái độ. Một số bị kích động đến mức lên blog và rêu rao rằng tôi chẳng biết gì cả. Những người đó giờ đều đã phá sản cả.
11. Bạn đòi hỏi quá nhiều
Bạn có thể cho rằng doanh nghiệp của bạn đáng giá 10 triệu USD. Nhưng với tôi, nó chỉ bằng 1/10 con số đó. Tất nhiên, định giá một doanh nghiệp nhiều khi rất khó. Thế nhưng, ít nhất bạn cũng phải căn cứ vào tiềm năng của doanh nghiệp mình và những thành tựu đã đạt được chứ không thể đưa một mức giá “trên trời”. Nếu bạn làm thế, chắc chắn tôi sẽ đi tìm cơ hội đầu tư khác.
12. Bạn không chịu được khi bị từ chối
Sẽ có lúc bạn bị nhà đầu tư từ chối. Đó là chuyện rất bình thường. Nhưng bạn đón nhận lời từ chối như thế nào? Bạn có kêu gào, ca thán tại sao cuộc đời bất công với mình như nhiều chủ doanh nghiệp khác hay làm không? Hay bạn nhìn lại xem mình đã làm gì sai và điều chỉnh lại? Cách xử trí của bạn sẽ nói lên rất nhiều và các nhà đầu tư sẽ để ý đến điều đó, ngay cả khi họ đã nói không.
13. Ai bạn cũng kêu gọi đầu tư
Bạn gửi bản kế hoạch kinh doanh của mình tới bất cứ nhà nhà đầu tư nào mà bạn tìm được địa chỉ liên hệ? Chắc chắn những đề xuất của bạn sẽ bị ném vào sọt rác. Tốt nhất bạn tiếp cận các nhà đầu tư thông qua lời tiến cử, giới thiệu của ai đó thân quen với họ và có thể bảo lãnh cho bạn.
Bình thường, nếu không phải doanh nghiệp cực kỳ nhiệt tình săn đón thì tôi chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp được ai đó giới thiệu.
14. Tôi không phải nhà đầu tư bạn tìm kiếm
Doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực tôi không chuyên. Giống như bác sĩ có chuyên khoa này, chuyên khoa kia, nhà đầu tư cũng có phạm vi chuyên môn của mình. Vì thế, hãy tìm hiểu cho kỹ để tìm được đúng những nhà đầu tư trong lĩnh vực của bạn.
15. Bạn không có trọng tâm
Mọi ý tưởng mà bạn có, bạn đều cố gắng biến thành hiện thực? Đừng làm thế, thay vào đó, hãy tập trung vào sản phẩm tốt nhất mà bạn có thể tạo ra. Bạn chỉ có thể làm cho một số khách hàng hài lòng với mình chứ không chiều lòng được tất cả – đừng cố quá nếu không muốn thành “quá cố”!
16. Còn quá sớm để tôi đầu tư cho bạn
Bạn muốn giới thiệu một ý tưởng có thể làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nào đó. Nhưng ý tưởng của bạn quá lạ, quá mới và tôi sẽ phải tiếp tục chờ xem liệu nó sẽ phát triển ra sao, có khách hàng hay nhà đầu tư nào khác quan tâm không. Điểm chung của các nhà đầu tư là chỉ thích chọn những công nghệ, ngành nghề đã được thời gian thử thách.
17. Công nghệ của doanh nghiệp bạn đã bị rơi vào quên lãng
Thật khó tin nhưng nửa năm qua tôi lại nhận được khá nhiều đề xuất kinh doanh liên quan đến băng VHS. Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, chẳng có lý do gì tôi lại mạo hiểm đầu tư vào những băng VHS cổ lỗ sĩ như thế.
18. Bạn mất quá nhiều thời gian để tung ra sản phẩm
Tiến độ làm việc của doanh nghiệp của bạn quá chậm. Không biết đó là vì bạn không đủ tự tin hay là vì bạn muốn đạt đến sự hoàn hảo nhưng rõ ràng bạn càng lâu có sản phẩm thì tôi càng lâu được thu lời từ khoản đầu tư của mình. Hãy nhớ rằng bạn chẳng có gì sai khi đưa ra phiên bản 1.0 rồi điều chỉnh dần dần.
19. Bạn không có chiến lược marketing
Doanh nghiệp của bạn đã đi đến giai đoạn bắt đầu bán sản phẩm mà bạn vẫn chưa có một chiến lược bán hàng nào? Nếu thế, tôi cùng với hàng ngàn nhà đầu tư khác có thể ăn tươi nuốt sống bạn trong phút chốc. Để sống sót, bạn phải trả lời được 2 câu hỏi khi gõ cửa nhà tôi: Bạn đã xây dựng mục tiêu marketing chưa? Bạn sẽ quảng bá sản phẩm của mình như thế nào?
20. Một lần nữa, lý do kinh doanh của bạn là gì?
Mục đích ban đầu của bạn khi thành lập công ty là để giải quyết một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, trong quá trình đi từ ý tưởng đến hành động, bạn có thể quên mất mục đích ban đầu ấy. Tôi muốn biết chắc rằng bạn vẫn đang tiếp tục giải quyết vấn đề đó và giải pháp của bạn là khả thi.
21. Bạn không biết gì về ngành mình
Bản thân bạn còn không nắm rõ lĩnh vực mà mình tham gia thì liệu còn ai có thể giúp bạn đây? Muốn tôi quan tâm, ít ra bạn cũng phải hiểu sơ sơ về ngành mình hay những khách hàng tiềm năng mà nó phục vụ chứ.
Hãy phân tích những số liệu thực tế liên quan đến mảng hoạt động của bạn và ghi nhớ chúng. Nếu bạn không có những số liệu như thế, tôi sẽ cho rằng doanh nghiệp của bạn có vấn đề và tệ hơn nữa là tôi sẽ tự mình tính toán mà không cần có bạn.
22. Bạn không hiểu ý nghĩa của từ “tinh gọn”
Bạn bỏ một đống tiền vào những thứ như mũ nón, móc chìa khoá, cốc nước in hình thương hiệu của mình thay vì đầu tư cho những gì lâu dài và có ý nghĩa. Nếu vậy, tôi chẳng có lý do gì lại muốn đầu tư vào doanh nghiệp của bạn. Một vài chiếc áo phông cho quảng cáo là được rồi, đừng chi tiêu vô tội vạ khi bạn còn phải dành tiền cho bao việc khác khi ra mắt sản phẩm.
Ngoài ra, đừng tự trả lương mình quá hậu hĩnh chỉ vì bạn là ông chủ. Nghiên cứu của Compass (một trang web cho phép doanh nghiệp so sánh mình các công ty tương tự) chỉ ra rằng 66% lãnh đạo doanh nghiệp thung lũng Silicon đã dùng Compass tự trả mình mức lương thấp hơn 75.000 USD. Đối chiếu với mức trung bình trên thế giới là 32.000-72.000 USD thì rõ ràng con số này tương đối thấp. Thế còn bạn, bạn trả lương mình bao nhiêu?
23. Bạn không nghĩ đến ngày mai
Doanh nghiệp của bạn có vẻ chỉ biết đến những gì trước mắt. Như thế thì làm sao tồn tại lâu dài được. Tất nhiên, không ai lường hết được mọi chuyện, nhưng là nhà đầu tư, tôi sẽ muốn chọn những người chủ doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng chứ không chỉ làm tới đâu, hay tới đó.
24. Không có nhà đầu tư nào khác ngoài tôi
Tôi không thấy ai đầu tư vào doanh nghiệp của bạn, dù chỉ vài ngàn đô la. Nếu không phải là người tuyệt đối tin tưởng vào doanh nghiệp của bạn, tôi sẽ muốn thấy có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến doanh nghiệp của bạn. Sự hiện diện của họ và khoản đầu tư mà họ dành cho bạn chứng tỏ họ cũng thấy được tiềm năng của bạn. Vả lại, có thêm người đầu tư cũng sẽ tạo đà cho doanh nghiệp tiến nhanh hơn.
25. Bạn vô tâm
Bạn mắc phải rất nhiều những khuyết điểm như trên mà không hay biết. Thế là bạn đang rất có vấn đề đấy. Tôi không thể chịu nổi khi phải làm việc với những người không nhìn ra những thiếu sót của mình và cố gắng cải thiện chúng. Không ai là hoàn hảo cả nhưng bạn phải chịu nhìn nhận những yếu kém để mà sửa chữa.
Hãy để sai lầm của những doanh nghiệp mà tôi không đầu tư trên làm bài học kinh nghiệm cho những người lãnh đạo doanh nghiệp đang chuẩn bị phải thuyết trình huy động vốn với các nhà đầu tư.
Leave a Reply