Tố chất của một nhân viên sáng giá trong công ty
Trước thử thách, bạn thường lùi bước, hay chấp nhận dấn thân dù chỉ có 1% hy vọng thành công?
Nếu bạn đang muốn leo lên một vị trí cao hơn mà công ty đang để ngỏ, hãy tìm cách thể hiện cho sếp thấy bạn sở hữu 7 đặc điểm sau đây của một nhân viên ngôi sao, tạp chí Inc. đưa ra lời khuyên.
1. Vui vẻ
Chẳng ai muốn làm việc với một người cáu bẳn. Sự tiêu cực, các trò lố và tâm trạng sầu muộn có thể ảnh hưởng tới cả công ty.
Vậy nên khi bạn nghĩ tâm trạng cá nhân chẳng ảnh hưởng gì tới không khí của cả công ty, thì bạn đã nhầm.
Sự vui vẻ phản ánh khả năng giải quyết khó khăn mà không bị nản chí của bạn.
Nếu bạn thể hiện với giám đốc mình là một nhân viên tích cực, khỏe mạnh về mặt tinh thần, khả năng bạn trở thành nhân viên được yêu quý là rất cao.
Bạn có thể thể hiện sự vui vẻ qua nụ cười, dáng vẻ thoải mái và ngôn ngữ cơ thể thân thiện.
2. Sáng tạo
Cả khi công việc hiện tại không yêu cầu quá nhiều tư duy sáng tạo, mọi CEO đều muốn có những nhân viên sáng tạo.
Cùng một nhiệm vụ đó, bạn có thể có những cách khác nhanh hơn, tốt hơn để hoàn thành nó.
Những nhân viên sáng tạo cũng có thể là người nảy ra những ý tưởng mới để đưa công ty tới thành công.
3. Nhanh nhẹn
Như câu nói: Thời gian là tiền bạc, các sếp thường muốn những nhiệm vụ được hoàn thành nhanh nhất có thể.
Đây không chỉ là chuyện về tốc độ, mà còn thể hiện sự thúc đẩy tự thân đối với tính hiệu quả của bạn.
Đứng trước một dự án, bạn sẽ dành cả ngày để làm nó, hay sẽ tập trung làm cho nhanh trong vài tiếng?
Mỗi phút bạn không làm việc là mỗi phút công ty mất tiền và sếp của bạn mất tiền, và chẳng ông sếp nào thích bị mất tiền cả. Nên hãy cố gắng nhanh nhẹn trong mọi nhiệm vụ, bạn chắn chắn sẽ trở thành một nhân viên “vàng”.
4. Trung thực
Không gì làm sếp của bạn nhanh cáu hơn sự thiếu thành thật.
Là một nhân viên, bạn được tin tưởng để gửi gắm những thông tin mật của công ty.
Vì vậy nếu sếp trả tiền cho bạn, thì ông ấy kỳ vọng bạn hoàn thành công việc được giao mà không gây ảnh hưởng tới danh tiếng cũng như văn hóa của công ty.
Vậy nên đừng nói dối trong hồ sơ xin việc, đừng nói dối khi trả lời phỏng vấn, đừng nói dối sau khi được nhận vào làm.
Không một giám đốc nào có thể vận hành một công ty với những nhân viên dối trá và thiếu tận tụy.
5. Linh động
Nếu tôi nhận anh vào làm nhân viên toàn thời gian, tôi muốn anh làm mọi cách để giúp công ty, chấm hết.
Đương nhiên, bạn có quyền có thời gian riêng cho đời sống cá nhân ngoài giờ làm việc, nhưng hãy cố gắng linh động hết mức có thể, dù đôi khi bạn được giao những việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn sau giờ làm việc.Làm như vậy, bạn thể hiện mình thực sự quan tâm tới công ty.
6. Đam mê
Các lãnh đạo muốn thấy nhân viên của mình thực sự thích thú với công việc của họ và không ngừng cải thiện chuyên môn.
Kể cả khi vị trí bạn đang giữ không phải là công việc trong mơ, bạn vẫn nên thể hiện một chút đam mê nhất định với lĩnh vực, với công ty và với con đường nghề nghiệp mà bạn đã trọn.
Đặt mình vào vị trí của một giám đốc, bạn có muốn thuê một người thực sự chẳng quan tâm đến việc anh ta đang làm không?
Những nhân viên tâm huyết với công việc cũng là những nhân viên dễ chịu khi làm việc cùng.
7. Tự tin
Trước thử thách, bạn thường lùi bước, hay chấp nhận dấn thân dù chỉ có 1% hy vọng thành công?
Dưới cương vị CEO, tôi muốn nhân viên của mình không bị ngăn cản trước thành công bởi sự khó khăn.
Các lãnh đạo thường muốn nhân viên tự tin vào chính khả năng để hoàn thành công việc được giao, vì suy cho cùng nếu bạn còn chẳng tin vào mình thì làm gì có ai tin vào bạn được nữa?
Leave a Reply